Bánh đa có độ giòn đặc trưng, thường được ăn kèm với món xào và một số món nước như mì quảng. Vậy bánh đa là gì, ăn kèm với gì? Bánh đa bao nhiêu calo, ăn có béo không? Tất cả bạn sẽ hiểu rõ qua chuyên mục Mẹo vào bếp của chúng tôi ngay sau đây!
1. Bánh đa là gì?
Bánh đa, còn gọi là bánh tráng, thành phần chính là bột gạo được hòa tan với nước và có thể cho thêm một số nguyên liệu khác để tăng thêm hương vị đặc trưng cho bánh.
Sau đó, bánh được tráng mỏng, rồi đem phơi khô. Trước khi ăn, người ta phải nướng bánh giòn rụm trên bếp, đợi nguội và bảo quản trong túi nilong kín để bánh đa không bị ỉu.
Chính vì thế, người miền Bắc gọi là bánh đa nướng trong khi người miền Nam và miền Trung gọi là bánh tráng nướng.
Việc thưởng thức bánh đa cũng đơn giản, có thể ăn trực tiếp sau khi được nướng giòn rụm hoặc có thể nhúng qua nước để làm thành nem cuốn – gọi là bánh đa nem hoặc bánh chả.
2. Bánh đa ăn kèm với gì?
Dễ ăn và có độ giòn đặc trưng nên bánh đa có thể được dùng kèm với nhiều món ăn rất hấp dẫn như:
Hến xúc bánh đa
Đây là món ăn nổi tiếng ở khu vực miền Trung, bánh đa nướng giòn rụm hòa lẫn vị béo của mè cùng với vị ngọt và thịt dai của hến xào, chắc chắn là món ăn vặt mà bạn không nên bỏ qua.
Khi chế biến hến, bạn có thể ướp hến với một ít bột nghệ để tăng thêm màu sắc và giá trị dinh dưỡng cho món ăn.
Lươn xúc bánh đa
Thịt lươn có giá trị dinh dưỡng cao và nhiều tác dụng đối với sức khỏe cũng như bồi bổ khi huyết. Nếu bạn đã quen thuộc với món cháo lươn và lẩu lươn thì hãy thử món lươn xào xúc bánh đa, ắt hẳn sẽ bị nghiền không thua gì món hến xào.
Lươn có thể được bằm nhuyễn rồi xào chung với sả và ớt, hoặc làm món lươn xào nghệ, lươn xào cà, lươn xào chuối đều có thể xúc được với bánh đa nướng.
Bánh đa trộn
Bánh đa trộn được chế biến như bánh tráng trộn mà bạn thường ăn. Tuy nhiên, với bánh đa nướng thì bạn sẽ cảm nhận được độ giòn và bị béo thơm hơn (nhờ mè). Một số topping quen thuộc như trứng cút, khô gà, chả quế, xoài xanh bào sợi, hành phi, ớt khô,… tất cả sẽ được trộn đều với bánh đa nướng (được bẻ nhỏ) trước khi thưởng thức.
Đặc biệt, bạn có thể rưới nước mắm me hoặc bất kì một loại nước sốt có vị chua ngọt để làm cho món bánh đa trộn trở nên ngon hơn.
Tiết canh vịt, tiết canh heo
Không phải ai cũng có thể ăn được món tiết canh vịt và tiết canh heo, vì nó có vị hơi khó ăn và thoảng mùi hơi tanh đối với một số người. Tuy nhiên, nếu bạn chế biến đúng cách thì chắc chắn ăn một lần, bạn sẽ nghiền ngay món này.
Tiết canh thường được ăn kèm với bánh đa nướng giòn rụm, thêm chút vị béo của mè hòa lẫn với vị bùi béo của đậu phộng. Thậm chí, trong tiết canh có thể sử dụng thêm một số loại rau thơm khiến cho món ăn trở nên bổ và có mùi hương dễ chịu.
3. Bánh đa bao nhiêu calo?
Nguyên liệu làm bánh đa cũng đơn giản, chỉ gồm: bột gạo, nước, có thể thêm mè trắng hoặc mè đen và thậm chí cho thêm ít muối, đường và gừng tùy theo mỗi loại bánh đa.
Nhìn chung, mỗi cái bánh đa nướng (không mè) khoảng 110 calo, trong khi mỗi cái bánh đa nướng (có mè) dao động từ 130 – 140 calo.
4. Bánh đa ăn có béo không?
Thực tế cho thấy: việc ăn bánh đa nướng không hề gây béo, vì trung bình mỗi cái bánh đa chứa khoảng 110 – 140 calo.
Bình thường, chúng ta ăn khoảng 2 cái là cảm thấy no, tương đương với lượng calo hấp thu từ 220 – 280 calo, do đó không tác động gì nhiều đối với cân nặng hiện tại, ngoại trừ bạn tiêu thụ bánh đa quá nhiều trong mỗi bữa ăn..
Nếu lỡ tiêu thụ nhiều bánh đa nướng, thì bạn hãy kết hợp thêm việc dùng các loại rau củ và thịt để cân bằng chất dinh dưỡng mỗi ngày. Đồng thời, bạn cần phải tập thể dục và năng vận động thường xuyên để giảm bớt lượng calo dư thừa trong cơ thể, cũng như khắc phục tình trạng tăng cân ngoài ý muốn.